Với việc khách hàng ở nhà “giãn cách xã hội” hoặc “cách ly xã hội”, các quán bar, nhà hàng và quán cà phê làm thế nào để sống sót qua đại dịch?!
Không giống nhân viên văn phòng, người lao động làm việc trong các cơ sở dịch vụ khách hàng như nhà hàng và quán bar không thể làm việc từ nhà. Với việc khách hàng không bước chân ra khỏi cửa, đây là một trong những ngành công nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất vì dịch Covid-19.
Vì vậy, các quán ăn, nhà hàng cần có các giải pháp hữu hiệu để đối phó tình hình dịch bệnh, đảm bảo lượng khách.
Cùng nghe chia sẻ kinh nghiệm của ông Sugar Lee – Cố vấn ẩm thực của Sugar Cuisine để ứng phó dịch Covid-19 tốt nhất:
- Tự đánh giá tình hình dịch bệnh tại địa phương và hoạt động kinh doanh của quán
Việc Tự đánh giá tình hình dịch bệnh tại địa phương và hoạt động kinh doanh của quán giúp chủ cơ sở kinh doanh có cái nhìn tổng quan để đưa ra phương án tối ưu, kịp thời. Công tác này cũng bao gồm việc kiểm kê kho và tạm ngưng nhập hàng để tránh thiệt hại không đáng có về nguyên vật liệu.
Trong trường hợp không được tiếp tục kinh doanh, kể cả bán mang đi, các cửa hàng có thể linh động sử dụng các nguyên vật liệu tồn kho chế biến thành các món sốt hoặc pate để kéo dài thời hạn sử dụng, tránh vứt bỏ vì hư hỏng.
- Sáng tạo menu mới hoặc tinh giản menu
Bước tiếp theo, các cửa hàng có thể sáng tạo menu mới hoặc tinh giản menu. Việc điều chỉnh menu không chỉ dựa trên cơ sở các nguyên vật liệu hiện có mà còn phải phù hợp với điều kiện hiện tại là nhanh, gọn và dễ mang đi.
Cũng nhờ sự sáng tạo món ăn, năm 2016, nghệ sĩ tạo hình người Ý Paolo Campana không chỉ giúp hỗ trợ người dân Amatrice vượt qua thiên tai, “giải cứu” nguyên vật liệu mà còn giúp món nước sốt mì amatriciana vang danh thế giới.
- Thay đổi mô hình kinh doanh
Theo CNET, Bread Ahead, một tiệm bánh ở London (Anh) livestream lớp học làm bánh tại gia qua mạng xã hội, bán phiếu giảm giá bánh mì online. Après, một quán cà phê cũng ở London, thay đổi mô hình thành siêu thị online. Bên kia Đại Tây Dương, nhân viên quán cà phê Jack’s Wife Freda ở New York sử dụng trang web GoFundMe để gây quỹ giúp trả lương cho những người khác trong 3 cửa hàng. Tại Việt Nam, các cửa hàng cũng có thể linh động thực hiện phương án này.
Người kinh doanh cũng có thể bán nguyên liệu làm sẵn, đóng gói kèm theo công thức chế biến, vừa tiện vừa tạo sự an tâm cho khách hàng.
- Dịch vụ giao hàng tận nơi
Với tâm lý ngại đám đông trong mùa dịch, cửa hàng, quán ăn có thể kết hợp cùng các ứng dụng đặt món trực tuyến đưa ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn để kích cầu.
Ở Australia, ông McBride đang nỗ lực quảng bán The Virtual Gully trên các trang mạng xã hội. Ông muốn sẽ giao bia và cocktail cho khách hàng tất cả các ngày trong tuần.
- Tăng cường khử khuẩn
Ngay từ khi có dịch, chuỗi cửa hàng McDonald’s đã tăng cường khử khuẩn mỗi giờ tại các bề mặt thường có nhiều tiếp xúc như màn hình chọn món tự động, tay nắm cửa, quầy phục vụ, quầy gia vị, bàn ghế… Các nhân viên trong ca làm việc tuân thủ quy trình rửa tay 6 bước của Bộ Y Tế và thực hiện rửa tay ít nhất 1 tiếng/lần.
Nguồn cung ứng thực phẩm đầu vào được kiểm tra kỹ càng hơn để luôn bảo đảm độ tươi ngon, an toàn. Điều này cũng được thực hiện nghiêm túc ở nhiều nhà hàng, quán ăn khác.
- Xây dựng niềm tin
Việc xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng ở thời điểm này nên chú trọng đến không gian riêng tư, như: tạo vách ngăn giữa các bàn tuỳ theo cách sắp xếp quán; phục vụ gia vị theo định suất nhỏ kèm từng suất ăn để người tiêu dùng tránh dùng chung…
- Thực hiện khai báo thông tin
Để kiểm soát việc lây lan, các cửa hàng, quán ăn cũng có thể đề nghị khách hàng điền vào phiếu thông tin với các nội dung như: tên, tuổi, địa chỉ, thời gian sử dụng dịch vụ… Việc làm này rất hay để ứng phó với việc truy vết nếu có ca bệnh xuất hiện.
Chỉ tiêng tại Mỹ, ngành dịch vụ khách hàng nuôi sống hơn 16 triệu lao động. Ở Anh, khoảng 30% trong tổng số 3,2 triệu lao động ngành dịch vụ khách hàng đối mặt với nguy cơ mất việc làm. |